Video - Album

Tin công ty

Tổng giám đốc Savico: “Thị trường ôtô Việt cần những cú hích”

129 - 2021

Ông Phan Dương Cửu Long cho rằng thị trường ôtô đang ở mức báo động, doanh nghiệp liên tiếp báo lỗ, không có nguồn thu và rất cần những cú hích từ Chính phủ.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam, cùng việc áp dụng giãn cách xã hội tại đa số tỉnh, thành phố ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh doanh, trong đó có ngành ôtô. Ông Phan Dương Cửu Long, Tổng giám đốc Savico, nhà phân phối có hệ thống hơn 57 đại lý ôtô khắp cả nước cho biết doanh số bán hàng liên tục tụt dốc, các doanh nghiệp thừa cung, dòng tiền đứt gãy, tồn kho cao tại khu vực sản xuất, kinh doanh.

Cuộc trò chuyện với vị Tổng giám đốc Savico đã chỉ ra những nỗi khổ của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam trong đại dịch.

Ông Phan Dương Cửu Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico).

  • Ông đánh giá sao về thị trường ô tô trong nước từ đầu năm đến nay?

 

Thị trường ôtô trong nước 4 tháng đầu năm nay rất khả quan, tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát hồi cuối tháng 4 đến nay đã gây những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, hoạt động các doanh nghiệp, thu nhập của người dân… dẫn đến sức mua của thị trường giảm mạnh và liên tục, chưa từng có tiền lệ từ quý III/2021. Riêng tháng 8 này, toàn thị trường ô tô giảm hơn 50% so với cùng kỳ.

  • Tình hình tài chính của Savico ra sao trong thời gian này?

 

6 tháng đầu năm nay, Savico vẫn bám theo mục tiêu kế hoạch đề ra, do tận dụng những lợi thế của thị trường trong quý I, chúng tôi kiểm soát tốt chi phí hoạt động.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 khiến nhiều tỉnh thành buộc phải thực hiện giãn cách, gây ra nhiều tác động tiêu cực như: cơ quan đăng ký, đăng kiểm dừng hoạt động, xe về đại lý không thể hoàn tất thủ tục giao khách hàng, dịch vụ ngưng trệ, giải ngân bán buôn, bán lẻ ảnh hưởng, sức mua giảm mạnh… Đây là những yếu tố làm gián đoạn dòng tiền vào của doanh nghiệp. Hệ luỵ này khiến hoạt động kinh doanh của Savico sụt giảm đáng kể trong quý III.

Một đại lý phân phối Ford của Savico vẫn phải duy trì chi phí mặt bằng, kho bãi… trong khi mọi giao dịch gần như bị đóng băng trong đợt dịch Covid-19.

  • Đâu là lý do chính khiến thị trường giảm sức mua và doanh số của ngành ôtô nói chung, thưa ông?

 

Ngoài các lý do tôi vừa nêu, sức mua giảm mạnh bởi ôtô không phải mặt hàng thiết yếu, lại có giá trị tương đối cao. Bên cạnh đó, chính sách kích cầu cho ngành này chưa nhiều, chủ yếu đến từ chương trình của nhà sản xuất và đại lý.

Trong khi đó, các chính sách vĩ mô chưa có, Chính phủ chưa có chính sách ưu đãi thuế, phí trước bạ như năm ngoái. Những yếu tố này diễn ra cùng thời điểm, khiến sức mua thị trường và doanh số ôtô giảm mạnh, liên tục trong nhiều tháng qua.

  • Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài tháng nữa, đâu là nguy cơ mà các doanh nghiệp ôtô phải đối mặt?

 

Sức mua có thể giảm 30%, hoặc hơn thế khi nền kinh tế chưa phục hồi do giãn cách dài ngày. Năm ngoái, dịch bệnh khiến thị trường bị gián đoạn và nhanh chóng phục hồi thì năm nay tình hình đã khác.

Các hãng từng đưa dự báo khả quan trong cuối năm 2020 và 6 tháng đầu 2021, do vậy khả năng nguồn cung tại Việt Nam không thiếu, thậm chí có thể thừa do mất cầu đột ngột. Các doanh nghiệp đang vấp phải tình trạng thừa cung, dòng tiền đứt gãy, tồn kho cao tại khu vực sản xuất và đại lý.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều áp lực về tài chính, khi vẫn phải duy trì các chi phí hoạt động, ít nhận được sự miễn giảm và đồng thuận từ các đối tác, cơ quan nhà nước như: chủ nhà cho thuê, chi phí điện nước, lãi suất vay, chi phí đảm bảo lương tối thiểu cho người lao động, chi phí phòng chống Covid-19, phí tồn kho và các chi phí phát sinh khác.

 

  • Savico đã chịu tác động và ảnh hưởng trực tiếp như thế nào?

 

Tại TP HCM, nơi chiếm 1/3 sản lượng xe bán ra và dịch vụ của Savico đã phải ngừng hoạt động để giãn cách xã hội từ cuối tháng 6. Tiếp theo, nhiều tỉnh thành khác cũng dừng hoạt động bán hàng và dịch vụ. Việc tạm ngừng này khiến nguồn thu và dòng tiền của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Chúng tôi đã thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí, nhưng có những chi phí cố định, rất khó để cắt giảm như chi phí lương tối thiểu cho người lao động. Doanh nghiệp ngừng kinh doanh đồng nghĩa người lao động chỉ trông chờ vào chính sách lương tối thiểu, hỗ trợ của doanh nghiệp để duy trì cuộc sống. Đây thực sự là điều khó khăn đối với doanh nghiệp, trong việc bảo vệ và duy trì đội ngũ.

Savico có 48 đơn vị thành viên, gồm 29 công ty con và 19 công ty liên kết trực tiếp, gián tiếp. Tổng số người lao động của hệ thống là trên 5.000 người. Trong đó, lao động tại các công ty con gần 3.100 người, đó là áp lực lớn với chúng tôi.

  • Theo ông, thị trường ô tô trong nước từ nay đến cuối năm sẽ ra sao? Savico có định hướng như thế nào?

 

Thị trường ôtô trong quý IV sẽ tiếp tục khó khăn, phục hồi chậm và sức mua của thị trường sẽ ở mức thấp.

Trong thời gian tới, Savico sẽ tiếp tục đặt vấn đề an toàn doanh nghiệp lên hàng đầu. Song song đó, chúng tôi sẽ tập trung các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bán hàng, dịch vụ, các mảng giá trị gia tăng khác, giải pháp chi phí, tài chính, dòng tiền.

  • Theo ông, các doanh nghiệp trong ngành ôtô cần hỗ trợ gì từ Chính phủ?

 

Ngành ô tô Việt Nam thời điểm này rất cần những chính sách hỗ trợ, kích cầu từ Chính phủ. Các hãng xe, Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam VAMA đã đề xuất Chính phủ ưu đãi, miễn giảm lệ phí trước bạ. Đây là chính sách được thực hiện rất thành công trong 6 tháng cuối năm ngoái, giúp thị trường ôtô phục hồi rất mạnh.

Ngoài ra, chính quyền các tỉnh thành nên tạo điều kiện để cơ quan đăng ký, đăng kiểm xe được hoạt động, áp dụng hình thức đăng ký trực tuyến… để phục vụ người dân. Các doanh nghiệp cũng có thể thực hiện đăng ký, đăng kiểm xe như trước.

Tôi cũng kỳ vọng các đối tác, ngân hàng tài trợ cho hoạt động của doanh nghiệp bán buôn bán lẻ, có các chính sách hỗ trợ giảm lãi suất trong thời gian giãn cách, giãn nợ do ngưng trệ hoạt động kinh doanh. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc kích cầu tiêu dùng sau giãn cách với các giải pháp cụ thể như: điều tiết lãi suất bán lẻ, các chương trình cho vay tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Savico mong muốn Chính phủ sẽ kích hoạt các hoạt động của cơ quan hành chính, hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô. Hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện kênh phân phối đến thị trường này đang gặp rất nhiều khó khăn, từ vận chuyển lưu thông, nộp thuế, đăng ký, đăng kiểm ôtô… Hoạt động doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ đến người lao động, về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ lao động thất nghiệp.

Khi các khó khăn được tháo gỡ, doanh nghiệp và khách hàng có thể nhận được phương tiện phục vụ nhu cầu cá nhân và kinh tế. Đây là những yếu tố rất cấp thiết để doanh nghiệp ngành này có thể nỗ lực, sẵn sàng hoạt động trở lại sau dịch bệnh, vực dậy thị trường ô tô những tháng cuối năm 2021.

Theo Vnexpress